Tai nạn thang máy: Người dân giật mình hoảng hốt.
Căn chung cư mini số 28/106/25 tại phố Đại Linh, phường Trung Văn nằm trong con ngõ ngoằn ngoèo và sâu hun hút, nơi hai xe máy tránh nhau còn khó. Trên một diện tích hẹp, chung cư mọc lên…10 tầng, mỗi tầng bố trí được 2 căn hộ đối xứng.
Để tối ưu diện tích sử dụng trong mỗi căn nên phần diện tích dành cho hành lang, thang máy và thang bộ là rất nhỏ. Độ dốc của cầu thang bộ khiến người ta chùn chân mỗi lần lên xuống. Do đó, thang máy trở thành phương tiện di chuyển thuận lợi nhất của cư dân trong tòa nhà. Nhưng đó cũng là một nỗi thấp thỏm của những người dân ở đây khi mà: Có thang máy nhưng không dám sử dụng! Đó là chia sẻ của nhiều người dân đang sống tại tòa nhà, hiện trường vụ tai nạn cháu VHĐ rơi vào giếng thang máy khi cửa tầng thang máy bất ngờ bật vào phía trong.
Chỉ đến khi xảy ra tai nạn thang máy mới khiến người dân hốt hoảng
Chị H, một người thuê trọ trong tòa nhà này phàn nàn, thang máy bị hỏng thường xuyên. Trong đó có lần người sử dụng thang bị kẹt bên trong. Tình trạng bấm gọi thang không có phản hồi cũng như cơm bữa. Còn anh P, ở tầng 5 cho biết, anh mới mua một phòng ở đây được vài năm nhưng hầu như không dám sử dụng thang máy do…sợ. Ngoài chuyện thường xuyên hỏng hóc thì tiếng động phát ra mỗi khi thang di chuyển là rất lớn, làm anh lo ngại.
Sau khi xây dựng, chủ đầu tư đã bán và bàn giao tất cả căn hộ cho các cá nhân mua nhà và không còn trách nhiệm. Vì vậy, chung cư mini này không có Ban quản trị và không có quỹ bảo trì. Mỗi khi thang hỏng thì bà con sẽ góp tiền để sửa. Khi được hỏi thang máy có được bảo trì, kiểm định thường xuyên không thì anh P hồn nhiên nói: Tôi không biết kiểm định là gì!
Những người như anh P, chị H và nhiều bà con khác ở đây đều ý thức được rủi ro mà gia đình mình phải đối mặt hàng ngày như mất an toàn cháy, nổ hay rủi ro từ chiếc thang máy có “tiền sử bệnh tật”. Còn nguy hiểm đến đâu thì dường như họ khá mơ hồ và chỉ đến khi tai nạn xảy ra thì mới giật mình hoảng hốt.
Bất cập trong quản lý, đảm bảo an toàn cho người dân
Theo Điều 3 Luật Nhà ở 2014 nêu: Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh. Nhà chung cư này phải hoạt động theo cơ chế do chủ sở hữu và người dân bầu ra ban quản trị để điều hành sử dụng. Còn chung cư mini là một khái niệm mà người dân hay nói nhưng nó không hề xuất hiện trong các văn bản luật.
Khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thang máy, lãnh đạo UBND phường Trung Văn cho biết, không có quy định hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, kiểm tra an toàn thang máy tại các chung cư mini. Các chung cư mini này hầu như không đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng. Mỗi chung cư mini có từ vài hộ đến vài chục hộ dân sinh sống, lại không có ban quản trị nên rất khó áp dụng các chế tài xử phạt. Cũng không thể áp dụng chế tài dừng hoạt động thang máy nếu không đủ điều kiện vận hành vì còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội.
Phóng viên Tạp chí Thang máy đang tìm hiểu máy kéo của chiếc thang máy gây tai nạn tại chung cư mini ở phố Đại Linh
Do vậy, đối với chung cư mini, chính quyền lúng túng không biết triển khai thế nào, hiện chỉ có thể tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. “Ngay cả khái niệm chung cư mini cũng không có trong bất cư văn bản nào, do vậy rất khó khăn trong quản lý. Chúng tôi chỉ coi họ như một nhà dân bình thường nhưng thực tế lại không phải như vậy”, vị đại điện chính quyền chia sẻ.
Trong tình trạng như thế, những mối nguy hiểm vẫn đang lơ lửng trên đầu rất nhiều hộ dân đang phải sống ở những nơi như vậy.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!
Nhiều người chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vụ việc cháu bé bị rơi vào giếng thang. Cháu bé rất may mắn thoát nguy hiểm khi mắc lại ở tầng 4 nhưng tính chất của sự việc lại rất nghiêm trọng. Đó là báo động đỏ về tình trạng mất an toàn nói chung, không đảm bảo an toàn thang máy nói riêng tại các khu chung cư mini. Vụ việc cũng chỉ ra rất nhiều bất cập trong quản lý các khu nhà ở quy mô nhỏ được gọi là chung cư mini này. Cũng có các chế tài xử phạt rất nặng và hình thức khắc phục nếu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn nhưng rất khó thực hiện đối với loại hình chung cư mini.
Bởi thế chính quyền phường xã rất lúng túng và bị động trong việc quản lý, xử phạt khi có vi phạm về an toàn trong các khu nhà này. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công tác đề phòng cháy nổ, an toàn thang máy tại các khu chung cư mini chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa có một con số thống kê chính xác về số lượng chung cư mini trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng ước chừng phải lên tới hàng nghìn. Đa phần các chung cư mini này là các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng trái phép, không đảm bảo các quy chuẩn xây dựng. Nhiều chung cư mini trong ngõ nhỏ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư, quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Cần rà soát lại số lượng chung cư mini có đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và thang máy để giảm thiểu nguy cơ rủi ro
Chẳng hạn chỉ riêng tại phường Trung Văn có 16 chung cư mini, 217 cơ sở lưu trú dạng nhà ở quy mô nhỏ, trong đó nhiều nhà có thang máy nhưng hầu hết không đảm bảo các điều kiện an toàn về cháy nổ và thang máy. Theo điều tra riêng, hầu hết các chung cư mini trên địa bàn thành phố đều không đáp ứng đủ các điều kiện theo để được cấp sổ đỏ. Bởi vậy, sự lúng túng, lo ngại của các chính quyền xã, phường trong việc quản lý các chung cư mini là có thật.
“ Việc quản lý, kiểm tra, áp dụng các chế tài xử phạt, yêu cầu hoàn thiện các điều kiện về an toàn cháy nổ cùng các điều kiện khác đối với chung cư mini rất khó. Trong khi đó, nếu có sự việc cháy nổ nghiêm trọng hay như tai nạn thang máy vừa qua, lãnh đạo chính quyền sở tại là những người chịu trách nhiệm”, lãnh đạo phường Trung Văn chia sẻ.
Hàng ngàn chung cư mini của Hà Nội vẫn tồn tại và hoạt động cùng các nguy cơ tiềm ẩn không thể giải quyết ngay ngày một ngày hai. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Thủ đô cần sớm rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn thang máy tại các chung cư mini trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bổ sung chung cư quy mô nhỏ vào các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các thông tư/nghị định hướng dẫn cụ thể đối với chính quyền cơ sở để thực thi giám sát/xử phạt liên quan đến an toàn thang máy. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thang máy cho người dân để giảm thiểu rủi ro.