I. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Trách nhiệm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm
Điều 18 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về việc kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, các yếu tố có hại tại nơi làm việc cụ thể như sau:
– Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
– Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
– Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này.
– Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả, người sử dụng lao động phải: thông báo công khai, cung cấp thông tin, có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
– Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
Trên đây là quy định về việc kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, các yếu tố có hại tại nơi làm việc nói chung. Riêng với thang máy – một hạng mục của công trình xây dựng thì cần có nội dung đánh giá chuyên biệt tại công trình theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP Hướng dẫn quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng như sau:
1. Kiểm tra, đánh giá khả năng làm việc của các kết cấu chịu lực chính và các bộ phận thang máy và công trình có nguy cơ gây mất an toàn.
2. Kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo vận hành, khai thác công trình bình thường, bao gồm: độ ồn, mức độ ô nhiễm gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; an toàn cháy nổ; kết quả kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các điều kiện an toàn khác có liên quan.
Theo đó, thang máy là hạng mục công trình xây dựng cần được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Độc giả tìm hiểu thêm về Kiểm định thang máy tại: Kiểm định thang máy và những điều cần biết
2. Quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động
Các quyền của người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động có các quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động, cụ thể như sau:
– Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động.
– Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
Các nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động như sau:
– Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
– Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
– Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
– Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
– Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức đội cấp cứu tại chỗ theo quy định pháp luật; đội cấp cứu phải được huấn luyện kỹ năng và thường xuyên tập luyện.
3. Khi xảy ra tai nạn lao động
Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
– Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.
– Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.
– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
– Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
– Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài ra, theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP Hướng dẫn quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, mọi đối tượng liên quan đến thang máy – một hạng mục công trình xây dựng đều có trách nhiệm để đảm bảo an toàn lao động, phòng tránh các thiệt hại cả về người và tài sản.
II. Trách nhiệm của người lao động
Người lao động khi hoạt động trên công trường phải tuân thủ các quy định sau đây nhằm đảm bảo an toàn lao động trên công trường:
1. Thực hiện các trách nhiệm của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Báo cáo với người có thẩm quyền khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng.
3. Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động hoặc không được cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
4. Chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.
5. Tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.
6. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
III. Trách nhiệm của các bên liên quan
Khi phát hiện thang máy có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì các bên liên quan cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình được quy định trong luật, cụ thể:
1. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng thang máy
– Kiểm tra lại hiện trạng công trình.
– Tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết).
– Quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế hoặc ngừng sử dụng, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn.
– Báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất.
– Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành hoặc phá dỡ khi cần thiết.
– Khi tiếp nhận thông tin về thang máy xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn quy định. Trường hợp không xử lý kịp thời, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Chính quyền địa phương
– Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình (nếu cần thiết).
– Yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thực hiện các biện pháp khẩn cấp và thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng thang máy không chủ động thực hiện để đảm bảo an toàn.
– Xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng thang mát theo quy định của pháp luật khi không thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định.
– Khi tiếp nhận thông tin về thang máy xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn quy định. Trường hợp không xử lý kịp thời, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Mọi công dân đều có quyền thông báo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng thang máy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan thông tin đại chúng biết khi phát hiện thang máy xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng để xử lý kịp thời.
Trên đây là các quy định về trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến an toàn lao động. Việc kiểm soát an toàn thang máy, đề phòng nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động đối với cả người lao động và người sử dụng thang máy là vô cùng quan trọng, cần được nhận thức đồng bộ.